Cùng dự hội nghị còn có đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, đơn vị tư vấn.
Hội nghị đã nghe đại diện Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn đối với sự phát triển du lịch, Hà Nam đã có quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo định hướng du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hoá...
Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế du lịch đóng góp từ 10 - 15% vào GRDP toàn tỉnh. Du lịch Hà Nam phát triển mang tính chuyên nghiệp; có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao; có thương hiệu, cạnh tranh và liên kết với các điểm du lịch trong vùng; thu hút 770 nghìn lượt khách du lịch nước ngoài, 9,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng. Đến năm 2050, Hà Nam sẽ trở thành một trung tâm du lịch vùng thủ đô, là trung tâm du lịch của Việt Nam. Định hướng phát triển du lịch cơ bản thành 5 dòng sản phẩm chủ đạo và 3 dòng sản phẩm hỗ trợ. Tổng mức đầu tư phát triển du lịch đến năm 2030 là trên 44 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các chương trình dự án đầu tư như Khu Du lịch Tam Chúc, khu Du lịch đền Trần Thương, Khu du lịch đền Lảnh Giang...
Hội nghị đã nghe các đơn vị tư vấn được lựa chọn thực hiện Quy hoạch là Công ty TNHH Tư vấn và Nghiên cứu VTOCO (Việt Nam) và Công ty TNHH Nihon Sekkei (Nhật Bản) báo cáo Dự án quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam; đánh giá tiềm năng phát triển du lịch Hà Nam – cơ sở để các đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể như: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế, y tế, giáo dục và văn hoá, những đề xuất, kiến nghị với tỉnh trong việc hoàn chỉnh quy hoạch…
Các ý kiến tại hội nghị cơ bản thống nhất với báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đưa ra một số nội dung cần xem xét, điều chỉnh, thống nhất: Việc đánh giá những quy hoạch về du lịch trước đó chưa được đề cập cụ thể; Căn cứ để đưa ra những dự báo về phát triển du lịch như: diện tích quy hoạch các dự án du lịch, lượng khách du lịch, người được giải quyết việc làm, doanh thu du lịch… yêu cầu rõ ràng, cụ thể và thực tế, mang tính khả thi, không mang tính định tính như trong báo cáo Quy hoạch; Việc xác định các dòng sản phẩm du lịch đối với du lịch Hà Nam quá lớn, cần xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tính riêng biệt nhằm phát huy lợi thế thuận lợi hơn; Cần thống nhất các khái niệm khu du lịch và điểm du lịch.
Quy hoạch cần đề cập sâu hơn đến môi trường, thị trường khai thác du lịch, bởi nếu xây dựng và phát triển du lịch ở nơi các vấn đề môi trường đang bị tác động tiêu cực hoặc đang bị ảnh hưởng xấu thì sẽ khó thu hút du khách và không bền vững. Thành phố Phủ Lý cần xem xét, coi đó là trung tâm thương mại, ẩm thực phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách; cần đánh giá toàn diện hơn mối liên hệ phát triển du lịch Hà Nam với du lịch vùng…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện, trên cơ sở đánh giá thực trạng tiềm năng, lợi thế và những khó khăn đối với du lịch Hà Nam. Đồng chí yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất các ý kiến tại hội nghị, cập nhật lại những quy hoạch, các văn bản, những nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển du lịch Hà Nam để phân tích cụ thể thế mạnh, điểm yếu của du lịch tỉnh nhà, từ đó xây dựng chiến lược, định hướng phát triển du lịch phù hợp, sát thực tiễn; Hệ thống hóa quá trình thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch và cụ thể hóa các nhóm giải pháp cũng như cân đối nguồn vốn…
Giang Nam